Bối cảnh Trận_Hà_Lan

Anh và Pháp đã cùng nhau tuyên chiến với Đức từ sau cuộc xâm lược Ba Lan năm 1939, nhưng suốt thời gian của Cuộc chiến tranh kỳ quặc mùa đông 1939–1940 đã không có hoạt động trên bộ đáng kể nào được triển khai tại Tây Âu, trong lúc này phe Đồng minh tiến hành xây dựng tích lũy lực lượng và chờ đợi một cuộc chiến tranh lâu dài,[4] và nhờ vậy Đức đã có thể hoàn thành cuộc chinh phục tại Ba Lan.[5] Ngày 9 tháng 10 năm 1939 Hitler đã ra lệnh xây dựng một kế hoạch xâm lăng Vùng Đất Thấp, như một phần trong chiến dịch tấn công nước Pháp.

Người Hà Lan không có sự chuẩn bị để đối phó với một cuộc xâm lược như vậy.[4] Khi Hitler lên nắm chính quyền tại Đức, người Hà Lan bắt đầu tái vũ trang, nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều so với Pháp và Bỉ; cho đến năm 1936 ngân sách quốc phòng mới dần dần được tăng lên.[6] Các chính phủ nối tiếp nhau của Hà Lan có xu hướng lảng tránh việc công khai xác nhận rằng Đức Quốc xã là một mối đe doạ quân sự nguy hiểm. Điều này một mặt là vì mong muốn không phải đối đầu với một đối tác thương mại quan trọng,[7] ngay cả với vấn đề chỉ trích hạn chế đối với các chính sách Quốc xã;[8] mặt khác là do chủ trương tiết kiệm ngân sách một cách nghiêm ngặt không thể không tiến hành mà các chính phủ bảo thủ của Hà Lan áp dụng trong cố gắng vô vọng nhằm đối phó với cuộc Đại suy thoái mà đang đẩy xã hội Hà Lan vào tình cảnh vô cùng khó khăn.[9] Bản thân Hendrikus Colijn, thủ tướng Hà Lan từ năm 1933 đến năm 1939, đã tin chắc rằng Đức sẽ không vi phạm sự trung lập của Hà Lan;[10] và các viên chức chủ chốt trong chính quyền cũng chưa bao giờ thử làm gì để vận động dư luận quần chúng ủng hộ cho việc tăng cường công tác quốc phòng.[11]

Quân Hà Lan đóng rào chắn cây cầu Nijmegen Waal trong thời gian cuộc khủng hoảng Albania

Tình hình căng thẳng leo thang trong quan hệ quốc tế vào cuối những năm 1930, với những cuộc khủng hoảng chính trị diễn ra khi Đức chiếm đóng Rhineland năm 1936, việc sáp nhập Áo và vùng Sudetenland - vấn đề của năm 1938, cũng như khi Đức chiếm Bohemia, Moravia và Ý chiếm đóng Albania mùa xuân năm 1939, đã buộc chính phủ Hà Lan phải cảnh giác hơn.[11] Thế nhưng họ đã tự giới hạn tối đa phản ứng của mình, và biện pháp quan trọng nhất được thực hiện cũng chỉ là một cuộc động viên hạn chế 100.000 người vào tháng 4 năm 1939.[12]

Sau khi Đức xâm lược Ba Lan tháng 9 năm 1939 và tiếp theo là sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ hai, Hà Lan vẫn hy vọng sẽ giữ được sự trung lập mà họ đã từng có được trong chiến tranh thế giới thứ nhất 25 năm về trước. Để đảm bảo cho điều đó, quân đội Hà Lan đã được động viên ngày 24 tháng 8 năm 1939[13] và bắt đầu cho triển khai công tác phòng thủ. Một khoản ngân sách lớn (khoảng 900 triệu guilder)[14] rốt cục đã được chi cho công tác quốc phòng, nhưng thật khó mà có được trang thiết bị mới trong thời chiến, nhất là khi nguồn hàng này của Hà Lan - chủ yếu nhập từ Đức - hiện tại đang bị cố tình trì hoãn cung cấp.[15] Ngoài ra, một phần đáng kể ngân sách quốc phòng lại được dự định dành cho vùng Đông Ấn thuộc Hà Lan, chủ yếu liên quan đến kế hoạch cho đóng 3 tàu tuần dương thiết giáp mới.[16]

Anh, Pháp đã cố gắng thuyết phục các quốc gia này không nên ngồi yên chờ đợi cuộc tấn công tất yếu sẽ xảy đến của Đức mà hãy liên kết với phe Đồng minh từ trước; như đề xuất của Winston Churchill trong bài diễn văn trên radio ngày 20 tháng 1 năm 1940.[17] Thế nhưng cả Bỉ và Hà Lan đều cự tuyệt, ngay cả khi bản kế hoạch tấn công của Đức rơi vào tay người Bỉ sau vụ một chiếc máy bay Đức gặp tai nạn trong sự cố Mechelen tháng 1 năm 1940.[18]

Người Pháp đã cân nhắc đến việc xâm phạm sự trung lập của các quốc gia Vùng đất thấp nếu như họ không gia nhập phe Đồng minh trước cuộc đại tấn công dự kiến sẽ tiến hành vào mùa hè năm 1941. Sự vi phạm này đã được chỉ rõ: nếu Đức chỉ tấn công Hà Lan - lúc này sẽ đòi hỏi phải có một cuộc tiến quân của phe Đồng minh qua Bỉ - hay ngược lại, nếu Hà Lan cho phép Đức tiến quân vào Bỉ qua phần lãnh thổ phía nam của họ, cả hai khả năng là một phần trong giả thuyết Hà Lan.[19] Chính phủ Hà Lan chưa bao giờ chính thức xây dựng một chính sách nào để đối phó trong trường hợp bất ngờ như vậy; đa số các bộ trưởng đều có xu hướng việc chống lại cuộc tấn công đó, số ít khác cùng với Nữ hoàng Wilhelmina thì từ chối việc trở thành đồng minh với Đức cho dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa.[20] Hà Lan đã nhiều lần cố gắng làm trung gian hoà giải giữa Đức và Đồng minh, nhằm đạt tới một thỏa thuận hoà bình bằng thương lượng.[21]

Sau khi Đức xâm lược Đan Mạch và Na Uy mà không tuyên chiến, cùng với cảnh báo của Tùy viên Hải quân Nhật Bản mới là Đại tá Tadashi Meada rằng cuộc tấn công của Đức là tất yếu,[22] giới quân sự Hà Lan thấy rõ rằng đứng ngoài cuộc xung đột là điều không tưởng và họ bắt đầu chuẩn bị nghiêm túc cho chiến tranh, cả về tinh thần và vật chất. Quân đội biên phòng Hà Lan được đặt trong tình trạng báo động cao.[23] Những tin tức về hoạt động của bọn phản quốc tại Scandinavia đã làm lây lan mối lo ngại rằng cả Hà Lan cũng sẽ bị bọn tay chân Đức xâm nhập nhờ sự giúp đỡ của những kẻ phản bội.[24] Nhiều biện pháp đối phó được tiến hành nhằm đề phòng khả năng bị tấn công tại các sân bay và bến cảng.[25] Ngày 19 tháng 4 tình trạng khẩn cấp được ban hành.[26] Thế nhưng, những hoạt động gián điệp của Đức vẫn phát triển mạnh mẽ và có hiệu quả tại Hà Lan. Có thể chỉ ra ví dụ, viên chỉ huy sư đoàn bộ binh số 207 của Đức đã nắm trong tay một bản đồ chi tiết về các bãi mìn, sở chỉ huy, các công sự và những khu ngập nước thuộc vùng đồi Grebbeberg, một bộ phận quan trọng trong tuyến phòng thủ Grebbe của Hà Lan, hay viên tư lệnh Đức trong trận Hague cũng có những tấm bản đồ hoàn hảo về thành phố này, kể cả vị trí của hoàng gia và các chốt phòng thủ trọng yếu. Nhiều tên gián điệp, trong đó có đại uý Kriebel, ngày 23 tháng 2 năm 1940 đã đến Den Haag bằng đường xe lửa, ô tô, và từ đây bắt đầu nghiên cứu vùng đồi Grebbeberg. Thiếu tá Mantey và thiếu tướng Zickwolf, tư lệnh sư đoàn bộ binh số 227 của Đức, cũng là những 'vị khách' đầu tiên tới Hà Lan. Người Đức đã khảo sát tỉ mỉ đồi Grebbeberg từ những pháo đài có tầm nhìn lý tưởng trong vườn thú Ouwehands tại Rhenen. Điều này một phần là do quyết định của thủ tướng Dirk Jan de Geer, khi ông ta thấy rằng ý nghĩa kinh tế của việc mở cửa các pháo đài này quan trọng hơn nguy cơ đối với an ninh quốc gia.[27] Tại các nơi khác cũng để cho yếu tố kinh tế quyết định, và kết quả là đề án triệt hạ cây cối nhằm phục vụ cho công tác phòng thủ tại đồi Grebbeberg và nhiều vị trí khác đã bị bác bỏ do tầm quan trọng của chúng đối với tầng lớp nông dân.

Thế nhưng hầu hết dân chúng vẫn nuôi ảo tưởng rằng đất nước mình sẽ được an toàn,[28] quan điểm này sau chiến tranh đã bị mô tả như một sự phủ nhận mù quáng.[29] Người Hà Lan hy vọng rằng chính sách kìm chế của phe Hiệp ướcLiên minh Trung tâm trong chiến tranh thế giới thứ nhất sẽ được lặp lại và đã cố gắng để tránh thu hút sự chú ý của các cường quốc cũng như né tránh một cuộc chiến tranh mà họ lo ngại rằng sẽ đem đến tổn thất về nhân mạng không kém gì lần xung đột thế giới trước đó. Ngày 10 tháng 4, Anh và Pháp đã lặp lại lời đề nghị Hà Lan tham gia cuộc chiến về phe Đồng minh và một lần nữa gặp phải sự cự tuyệt.[30]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Hà_Lan http://www.realmilitaryflix.com/public/760.cfm http://www.youtube.com/watch?v=3ua7PWXkQOg&feature... http://www.youtube.com/watch?v=SSycLky3zGs&feature... http://www.youtube.com/watch?v=Zqb58cSE7Z0 http://www.youtube.com/watch?v=iJQL8qXAXoA&feature... http://www.milavia.net/airforces/netherlands/rnlaf... http://www.cbs.nl/NR/rdonlyres/1FA7DF00-F612-4F46-... http://www.grebbeberg.nl/bibliotheek/data/art00071... http://www.nos.nl/nos/artikelen/2008/12/art000001C... http://www.waroverholland.nl/